Giới kinh doanh đã đề nghị việc thiết lập cơ chế sandbox – khung chính sách thử nghiệm dành cho ý tưởng, mô hình, phương thức kinh doanh mới.
Đây không phải là đề xuất mới, thậm chí từng được thực hiện, nhưng có lẽ, đã đến thời điểm hành động thống nhất và quyết liệt hơn. Thực tế cho thấy, giới hạn về khung khổ chính sách với những quy định phần nhiều theo tư duy “Made in Vietnam” đang tạo nên rào cản cho những ý tưởng “Make in Vietnam”.
Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển công nghệ Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói với các doanh nghiệp rằng: “Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa”.
Những rối rắm trong cách gọi tên, cách quản lý mô hình kinh doanh gọi xe trên nền tảng công nghệ và sự lúng túng trong các phiên bản Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một ví dụ.
Tháng 1/2016, Bộ Giao thông – Vận tải ban hành Quyết định 24/QĐ-BGTVT về Kế hoạch Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Mục đích rất rõ là đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khung khổ pháp luật; tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học – công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai… Thời gian thí điểm được xác định trong 2 năm (đến tháng 1/2018), ở 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Đến tháng 2/2018, quyết định thí điểm đã được cho phép kéo dài đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Đến nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã được trình Chính phủ lần thứ 8, nhưng cuộc tranh luận nên gỡ điều kiện để taxi truyền thống được hoạt động thuận lợi hơn hay đưa mô hình taxi công nghệ vào khuôn rọ của taxi truyền thống vẫn chưa kết thúc. Đáng nói là cuộc đấu trí này diễn ra không chỉ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là sự đối đầu căng thẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống với các doanh nghiệp công nghệ. Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn khi người có vai trò quyết định cuộc chơi là Nhà nước chưa đưa ra quan điểm, tư duy rõ ràng.
Đây chỉ là một ví dụ để thấy, việc không nhìn đúng bản chất của hoạt động kinh doanh, không tạo cơ hội cho những ý tưởng, mô hình mới chính thức đặt chân sẽ luôn ẩn chứa rủi ro. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, dù không muốn, nhưng sẽ luôn ở thế bị soi… vì không giống ai. Đương nhiên, khách hàng, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng chịu liên lụy không nhỏ.
Ngay trong Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã thể hiện quan điểm: hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Nhưng, có lẽ cần phải nhấn mạnh thêm một số yêu cầu lớn hơn.
Đó là, phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc về thị trường, về hội nhập, về kinh tế số trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý nhà nước về kinh tế. Phải lấy bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước về kinh tế; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật, chính sách điều tiết nền kinh tế, điều tiết các ngành, lĩnh vực kinh tế…
Quản lý nhà nước phải phục vụ phát triển, vì phát triển, theo kịp quá trình phát triển; không cấm, không hạn chế, không làm méo mó mô hình, phương thức và hoạt động kinh doanh có liên quan; trường hợp cần thiết thì thực hiện thí nghiệm điều tiết (regulation sandbox); tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính cấm đoán, hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do đổi mới sáng tạo….
Thực tế cho thấy, nếu không thay đổi từ tư duy và cách làm, thì sẽ rất khó gỡ bỏ những nút thắt, những rào cản do chính chúng ta dựng lên.