Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin liên quan vụ việc Công ty Minh Giang khiếu kiện

Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin liên quan vụ việc Công ty Minh Giang khiếu kiện

Tổng cục Hải quan chính thức phản hồi thông tin về “văn bản lạ” của Bộ Tài chính gửi Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng, liên quan đến vụ án hành chính Công ty Minh Giang khởi kiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã được xét xử tại phiên phúc thẩm, diễn ra ngày 3/5/2019.

Thực hiện đúng thế thức thẩm quyền ban hành văn bản

Ngày 3/5/2019, Bộ Tài chính có Công văn hỏa tốc số 5048/BTC-TCHQ gửi TAND thành phố Đà Nẵng về việc xác định mã số hàng hóa. Đây là công văn hồi đáp 2 công văn số 55/CV-TA ngày 30/11/2018 và công văn số 02/CV-TA ngày 16/01/2019 của Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng gửi Bộ Tài chính.

Liên quan đến thể thức Công văn 5048/BTC-TCHQ, có ý kiến cho rằng, tên cơ quan ban hành là Bộ Tài chính và nội dung trình bày đều lấy danh là Bộ Tài chính và dấu đóng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, phần ghi thủ trưởng cơ quan ban hành lại ghi TL. BỘ TRƯỞNG; KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN, còn người ký lại là “PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG – Nguyễn Dương Thái”. Nếu đây là văn bản thật thì hoàn toàn sai về thể thức, sai về thẩm quyền, sai về nội dung và trái với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về việc phân loại nhóm mã hàng hóa HS.

Phản hồi về nội dung này, Tổng cục Hải quan cho biết, đây là văn bản đúng quy định về thẩm quyền ban hành văn bản, vì khoản 4 Điều 10 Nghị định 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho chánh văn phòng, trưởng phòng hành chính hoặc trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức”.

Mặt khác, tại điểm c Khoản 4 Điều 36 Quyết định 469/QĐ-BTC ngày 13/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế làm việc của Bộ Tài chính quy định: “Thủ trưởng đơn vị ký thừa lệnh Bộ trưởng và đóng dấu Bộ đối với các văn bản trả lời, giải thích chính sách, chế độ có nội dung chưa được phân cấp cho đơn vị, thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ sau khi được lãnh đạo Bộ duyệt và giao đơn vị xử lý và ký ban hành văn bản”.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thêm, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo giao Tổng cục Hải quan ký công văn về nội dung này.

Về việc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái ký văn bản trên, Tổng cục Hải quan khẳng định là đúng quy định thực hiện theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 8/2/2010) quy định: ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả các văn bản của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.

Trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, quy chế làm việc của Bộ Tài chính, quy chế công tác văn thư của Tổng cục Hải quan thì việc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái ký thay Tổng cục trưởng theo thừa lệnh của Bộ trưởng Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đủ cơ sở để phân loại hàng hóa

Liên quan đến việc hướng dẫn xác định mã hàng hóa tại công văn số 5048/BTC-TCHQ ngày 3/5/2019 mà Công ty Minh Giang có ý kiến, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ vào quy định pháp luật, các mặt hàng móc cẩu, mắt nối xích, vòng xích chủ và móc thu ngắn xích bằng sắt hoặc thép, được chi tiết từ mục 08 đến 42 tờ khai là các phụ kiện của xích, phù hợp phân loại thuộc nhóm 73.26 “các sản phẩm khác bằng sắt hoặc thép”, phân nhóm 7326.90 “- Loại khác”, phân nhóm “- – Loại khác”, mã số 7326.90.99 “- – – Loại khác”.

tổng cục hải quan
Sản phẩm móc cẩu, mắt nối xích do Công ty Minh Giang nhập khẩu.

Liên quan đến mã số HS ghi trên giấy chứng nhận xuất xứ C/O, Tổng cục Hải quan cho biết, phía doanh nghiệp (DN) có quan điểm sử dụng mã số trên Giấy chứng nhận nguồn gốc số L 17599595 ngày 12/5/2017 của Cộng hòa Liên bang Đức, hóa đơn thương mại và danh sách hàng hóa, theo đó, DN phân loại mặt hàng mắt nối xích, vòng xích chủ các loại, móc cẩu các loại vào mã số 7315.90.00.

Có ý kiến cho rằng Công văn 5048/BTC-TCHQ nêu trên chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm d mục 2 phần III Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì: “Thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận để giảm tải cho cơ quan kiểm tra”.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan lý giải, nội dung Quyết định 2026/QĐ-TTg là nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vụ việc của DN Minh Giang là vướng mắc về phân loại, xác định mã số hàng hóa, không phải hoạt động liên quan đến kiểm tra chuyên ngành…

Đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, Tổng cục Hải quan khẳng định, mã số ghi trên Giấy chứng nhận xuất xứ C/O không phải là căn cứ để cơ quan hải quan thực hiện phân loại hàng hóa…/.

Ngọc Linh

ĐỂ LẠI THÔNG TIN CHO CHÚNG TÔI

Vui lòng nhập email để nhận các thông tin mới nhất từ chúng tôi